Thánh ca nhạc sĩ Xitô
“Ấn bản dành cho Hội Dòng Xitô Thánh Gia với sự chấp thuận của Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ.”
Ấn bản này dịch từ bộ LITURGIA HORARUM theo ấn bản 1987, do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện, đã được Uỷ Ban Giám Mục đặc trách Phụng Tự thông qua, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 05 năm 1995
Chủ tịch Uỷ Ban Giám Mục
đặc trách
Phụng Tự
Bart. NGUYỄN SƠN LÂM
Thánh Bộ Phụng Tự
Prot. Số 1000/71
—-V—-
SẮC LỆNH
Các Giờ Kinh Phụng Vụ xưa nay vốn được Hội Thánh cử hành mỗi ngày, để thi hành lệnh Chúa truyền phải cầu nguyện không ngừng, đồng thời để ca tụng Chúa Cha và kêu cầu cho thế giới được ơn cứu độ.
Vì thế, Công Đồng Va-ti-ca-nô II, vốn rất quý trọng và ước ao canh tân phương thức cổ truyền của Hội Thánh, đã ân cần lo cải tổ hình thức cầu nguyện này cho thích hợp, để trong những điều kiện sinh sống hiện nay, linh mục cũng như những thành phần khác trong Hội Thánh có thể cầu nguyện một cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn (x. PV, s. 84).
Nay công việc cải tổ đã hoàn thành và đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI phê chuẩn qua Tông hiến Laudis Canticum ban hành ngày 1-11-1970, Thánh Bộ Phụng Tự cho xuất bản bộ sách CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ theo nghi thức Rô-ma, và tuyên bố bản mẫu bằng La ngữ sau đây là bản chính thức.
Những gì trái ngược với văn kiện này đều vô giá trị.
Làm tại Văn phòng Thánh Bộ Phụng Tự,
Chúa nhật Phục Sinh, ngày 11 tháng 04 năm 1971
Arturus Hồng Y TABERATổng Trưởng
BUGNINIThư ký
Thánh Bộ Phụng Tự
Prot. n. 1814/84
—-V—-
SẮC LỆNH
Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã được canh tân theo sắc lệnh của thánh Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II. Là lời cầu nguyện của Hội Thánh, nền phụng vụ này nhằm thánh hoá toàn bộ diễn tiến các thời khắc trong ngày và mọi sinh hoạt của con người, bằng những lời ca ngợi, tạ ơn và cầu xin. Vì thế, những kho tàng thiêng liêng phong phú riêng của Các Giờ Kinh Phụng Vụ đòi phải được đào sâu hơn, qua việc hiểu biết thấu đáo những bản văn thường được dùng khi cầu nguyện chung, theo truyền thống Hội Thánh thuộc nghi lễ Rô-ma.
Để dễ dàng đạt mục đích này hơn, bản in mẫu thứ hai cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã được xuất bản sau 14 năm sử dụng bản văn thứ nhất. Đặc điểm của bản in này là đem ra sử dụng bản văn Kinh Thánh trong bản dịch Phổ Thông Mới. Theo quy tắc của Tông hiến “Kho Tàng Kinh Thánh” (“Scripturarum Thesaurus”), Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công bố ngày 24 tháng 4 năm 1979, bản dịch mới này tất nhiên thay thế bản văn trong bản dịch Phổ Thông đã được dùng từ trước tới nay.
Sau đây, thiết tưởng nên nói rõ hơn từng đặc điểm của ấn bản này :
1. Bản dịch Phổ Thông Mới được dùng trong những bài đọc Kinh Thánh của giờ Kinh Sách và những lễ Vọng, trong những bài đọc ngắn của Kinh Sáng, Kinh Chiều, Kinh giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín, Kinh Tối và trong tất cả các thánh ca Cựu Ước cũng như Tân Ước.
2. Một số bản văn Kinh Thánh đã được in trong ấn bản trước, không thấy có trong bản dịch Phổ Thông Mới này, vì chúng mang một nghĩa khác, đến nỗi không mấy thích hợp với mục đích được chọn lựa, nên không còn nữa và một số bản văn khác thích hợp hơn đã được đề nghị để thay thế.
3. Bản văn thánh vịnh đã được duyệt lại một lần nữa theo ấn bản Phổ Thông Mới, vẫn được giữ nguyên trong lần xuất bản cuốn Các Giờ Kinh Phụng Vụ này.
4. Các câu xướng đáp trong giờ Kinh Sáng đã được duyệt lại theo bản dịch Phổ Thông Mới, trừ khi có lý do riêng đòi phải giữ nguyên cho phù hợp với kết cấu, truyền thống, nhạc điệu hay chỉ dẫn phụng vụ.
5. Các điệp ca mới trước các thánh ca Tin Mừng “Benedictus” và “Magnificat” trong các Chúa nhật và lễ trọng phải được đưa vào sao cho phù hợp với Tin Mừng của những ngày lễ đó.
6. Các thánh thi đã được soạn lại, dồi dào và trau chuốt hơn.
7. Trong các bài đọc Kinh Thánh dài hơn, các thánh vịnh và các thánh ca Cựu Ước cũng như Tân Ước, mỗi câu đều có ghi số riêng như thường thấy trong sách Kinh Thánh.
8. Trong ấn bản này, các thánh vịnh có ghi hai số. Số trước là số trong bản dịch Hy-lạp, gọi là bản Bảy Mươi và trong bản dịch Phổ Thông cũ cũng như trong các thánh vịnh được các giáo phụ và phụng vụ quen dùng. Còn số sau trong ngoặc là dành riêng cho bản Híp-ri, ngày nay thường được dùng trong những ấn bản và các sách nghiên cứu.
9. Trong phần phụ lục, có thêm các bản văn khác, là những công thức ban phép lành trọng thể, và nghi thức sám hối, rút ra từ Sách Lễ Rô-ma.
Những chỉ dẫn trên đây và những thay đổi ít quan trọng khác nhằm giúp cho người ta hiểu một cách hài hoà và hữu hiệu hơn những mối liên hệ giữa việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cử hành Thánh Thể, giữa hai việc cử hành này và Năm Phụng Vụ. Năm Phụng Vụ có giá trị tượng trưng và hữu hiệu đặc biệt. Bởi vì trong khi cử hành các mầu nhiệm của Đức Ki-tô, hoặc khi kính nhớ các thánh và nhất là Mẹ của Người, chính Đức Ki-tô tiếp tục công trình thương xót vô biên của Người. Nhờ đó, các Ki-tô hữu không những tưởng niệm và suy gẫm mà còn đạt thấu, thông hiệp và sống các mầu nhiệm cứu chuộc nữa.
Ấn bản mới Các Giờ Kinh Phụng Vụ này đã được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II dùng quyền Tông Toà chuẩn nhận và Thánh Bộ Phụng Tự giờ đây công bố và tuyên cáo ấn bản này là mẫu. Vì thế, chính ấn bản được soạn thảo bằng La ngữ, bắt đầu có hiệu lực ngay khi được phổ biến ; còn những ấn bản bằng các ngôn ngữ địa phương, được soạn thảo chiếu theo ấn bản mới này, sẽ có hiệu lực kể từ ngày mỗi Hội Đồng Giám Mục ấn định.
Những gì trái ngược với văn kiện này đều vô giá trị.
Làm tại Văn phòng Thánh Bộ Phụng Tự,
Chúa nhật Phục Sinh, ngày 07 tháng 04 năm 1985
AUG. MAYER
Tổng Giám Mục Hiệu Toà SatriaQuyền Tổng Trưởng
VERGILIUS NOE
Tổng Giám Mục Hiệu Toà VoncariThư ký
“Trong khi chu toàn nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô, Giáo Hội cử hành phụng vụ giờ kinh, nhờ đó Giáo Hội lắng nghe Thiên Chúa nói với dân Ngài, tưởng nhớ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, ca tụng Ngài không ngớt bằng lời kinh và khẩn cầu phần rỗi cho cả thế giới”