Chúa Nhật

NGÀY TRONG TUẦN THƯỜNG NIÊN

Bài đọc 1      Tl 2,6 – 3,4

Để cứu Ítraen, Thiên Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh.

Tác giả sách các Thủ Lãnh không dừng lại nơi khía cạnh kinh tế của cơn khủng hoảng, nhưng cố nhận ra ý nghĩa tôn giáo. Mọi thỏa hiệp với các thần của thế gian đều có nghĩa là chối bỏ Chúa. Nhưng chúng ta có vô ơn đến đâu đi nữa, thì Chúa cũng không bao giờ bỏ dở công trình của Người.

Lời Chúa trong sách Thủ Lãnh.

2,6 Bấy giờ ông Giô-suê giải tán dân chúng, và con cái Israel ai nấy về nơi mình đã trúng thăm làm gia nghiệp, để chiếm hữu đất đai.7 Dân đã phục vụ Đức Chúa suốt thời ông Giô-suê và suốt thời các kỳ mục là những người sống lâu sau ông Giô-suê, và đã chứng kiến tất cả những công cuộc vĩ đại Đức Chúa đã thực hiện cho Israel.8 Ông Giô-suê, con ông Nun, tôi trung của Đức Chúa, từ trần, thọ một trăm mười tuổi.9 Người ta chôn cất ông tại thửa đất ông đã nhận được làm gia nghiệp ở Tim-nát Khe-rét trong vùng núi Ép-ra-im, phía bắc núi Ga-át.10 Khi đến lượt cả thế hệ ấy về sum họp với tổ tiên mình, thì xuất hiện một thế hệ kế tiếp không hề biết Đức Chúa và những công cuộc Người đã thực hiện cho Israel.

11 Con cái Israel đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, và đã làm tôi các thần Ba-an.12 Họ đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận Đức Chúa.13 Họ đã lìa bỏ Đức Chúa để làm tôi thần Ba-an và các nữ thần Át-tô-rét.14 Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột; Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù.15 Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay Đức Chúa giáng hoạ trên họ, như Đức Chúa đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng.

16 Bấy giờ Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giải thoát họ khỏi tay những kẻ cướp phá họ.17 Nhưng rồi các thủ lãnh của họ, họ cũng chẳng nghe mà cứ đàng điếm với các thần ngoại lai và sụp lạy các thần đó. Họ vội từ bỏ con đường cha ông họ đã đi, là tuân giữ mệnh lệnh của Đức Chúa; họ đã không noi gương các ngài.18 Khi Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giúp họ, thì Đức Chúa ở với vị thủ lãnh và Người cứu họ khỏi tay quân thù bao lâu vị thủ lãnh còn sống, vì Đức Chúa động lòng trắc ẩn trước những tiếng than khóc của họ, khi họ bị đàn áp và ức hiếp.19 Nhưng sau khi vị thủ lãnh qua đời thì họ lại ra hư đốn hơn cả cha ông họ. Họ chạy theo các thần ngoại lai để làm tôi và sụp lạy chúng, chứ không từ bỏ những hành vi và đường lối ngoan cố của họ.

20 Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel; Người phán: “Vì lũ dân này đã vi phạm giao ước Ta đã truyền cho cha ông chúng phải giữ, và chúng đã không nghe tiếng Ta,21 nên trong số các dân mà Giô-suê còn để lại khi từ trần, Ta cũng sẽ không đuổi một dân nào cho khuất mắt chúng.22 Ta sẽ dùng các dân ấy để thử thách Israel, xem chúng có tuân giữ đường lối Đức Chúa như cha ông chúng đã tuân giữ hay không.23 Vậy Đức Chúa đã để cho các dân ấy tiếp tục tồn tại mà không vội trục xuất chúng, cũng chẳng trao chúng vào tay ông Giô-suê.

3,1 Đây là các dân Đức Chúa cho tồn tại, để dùng chúng mà thử thách tất cả những người Israel đã không biết các cuộc chiến tại Ca-na-an là gì,2 chỉ cốt cho các thế hệ con cái Israel biết học việc binh đao, ít là cho những kẻ trước đây chưa biết.3 Năm vương hầu Phi-li-tinh và tất cả các người Ca-na-an, người Xi-đôn, người Khi-vi ở trên vùng núi Li-băng, từ núi Ba-an Khéc-môn đến Cửa Ải Kha-mát.4 Chúng còn đó để thử thách Israel, xem họ có tuân giữ mệnh lệnh Đức Chúa đã dùng ông Mô-sê mà truyền cho cha ông họ hay không.

Xướng đáp Tv 105 (106),40.41.44 ; Tl 2,16

X.   Trên dân riêng, Chúa đổi cơn thịnh nộ, phó mặc họ vào tay đám chư dân ;
*     Chúa thấy họ truân chuyên ngàn nỗi, nghe thấy lời cầu cứu van xin.
Đ   Bấy giờ Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giải thoát họ khỏi tay những kẻ cướp phá. *

Bài đọc 2

Lời cầu nguyện phải xuất phát từ lòng khiêm tốn.

Trích khảo luận của thánh Síprianô, Giám mục, tử đạo, về kinh Lạy Cha.

Khi cầu nguyện, lời lẽ cầu xin phải bình tĩnh, chừng mực và lễ độ. Nên nhớ là ta đang đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, từ cử chỉ thái độ đến lời ăn tiếng nói phải làm sao cho đẹp mắt Người. La lối om sòm sẽ khiếm nhã thế nào, thì ngược lại, khiêm tốn cầu xin sẽ đáng trọng như thế. Sau cùng, khi giảng dạy, Chúa đã truyền cho chúng ta phải cầu nguyện âm thầm, tại những nơi ẩn khuất và xa vắng, cả trong phòng riêng nữa. Làm như thế sẽ phù hợp với đức tin hơn, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi ; Người nghe thấy mọi người, nhìn thấy mọi người ; đầy quyền uy, Người thấu nhập cả những nơi ẩn khuất và kín đáo, như có lời chép rằng : Phải chăng Ta chỉ là Thiên Chúa khi ở gần, chứ không phải là Thiên Chúa khi ở xa? Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lạ không thấy? Ta lại không làm cho trời đất tràn đầy hay sao? Lại có lời khác rằng : Mắt Đức Chúa ở mọi nơi mọi chốn, hằng dõi theo kẻ dữ người lành.

Khi chúng ta cùng anh em tụ họp lại một nơi, cùng linh mục của Thiên Chúa cử hành thánh lễ, nên nhớ là phải có lòng tôn kính và phải lễ độ, chứ đừng cầu nguyện ào ào như gió, giọng này lộn giọng kia ; cũng đừng ồn ào huyên thuyên, nhưng phải khiêm nhường dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện của mình, vì Thiên Chúa nghe tiếng lòng chứ không nghe giọng nói. Đấng nhìn thấu tư tưởng chúng ta không cần chúng ta phải kêu gào, Người mới biết đến. Chúa Kitô làm chứng điều này khi Người nói : Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Và chỗ khác có lời : Tất cả các Hội Thánh sẽ biết rằng Ta là Đấng dò thấu lòng dạ.

Theo sách các Vua quyển thứ nhất, thì ba Hanna, hình bóng của Hội Thánh, đã giữ đúng như trên đây. Khi cầu nguyện bà không xin xỏ ồn áo, nhưng lặng lẽ khiêm nhường nơi cõi lòng thầm kín. Bà nói đó, lời xin vẫn âm thầm, mà lòng tin lại tỏ rõ. Bà nói đó, không ra tiếng, nhưng với tấm lòng, vì bà biết Chúa nghe thấy tiếng lòng của bà. Và thực sự bà đã được như lời xin, vì bà xin với lòng tin. Sách Thánh nói rõ điều đó như sau : Bà thầm thĩ trong lòng : chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà, và Chúa đã nhận lời bà. Trong Thánh vịnh, chúng ta cũng đọc thấy câu : Hãy thầm thĩ trong lòng. Trên giường nằm, hãy sám hối ăn năn. Qua ngôn sứ Giêrêmia, Chúa Thánh Thần cũng dạy bảo ta cùng một ý tưởng đó : Hãy nói trong lòng rằng : Lạy Chúa, Ngài là Đấng mọi người phải thờ lạy.

Anh em thân mến, kẻ thờ lạy Chúa không thể không biết là trong Đền Thờ, anh thu thuế đã cầu nguyện như thế nào cùng lúc với người Pharisêu. Anh không dám xấc xược ngước mắt lên trời, cũng không ngạo mạn giơ cao tay, chỉ đấm ngực xưng thú những tội lỗi nằm sâu trong lòng mình mà van xin Thiên Chúa xót thương trợ giúp. Rồi trong khi người Pharisêu tự hào tự mãn, thì anh thu thuế lại đáng được ơn thánh hóa hơn, vì đã cầu xin như thế, đã không dám tin rằng mình vô tội để hy vọng được cứu thoát, bởi không ai là người vô tội. Anh đã thú nhận tội lỗi và khiêm tốn cầu xin, nên Đấng hằng thứ tha cho kẻ khiêm tốn đã nhận lời cầu xin của anh.

Xướng đáp

X.   Hãy nghĩ xem chúng ta phải có tâm hồn nào trước mặt Thiên Chúa và các thiên thần.
*    Như thế, tâm hồn và giọng ca của chúng ta mới hòa hợp trong lời ngợi khen Chúa.
Đ.    Chúng ta phải biết rằng không phải vì nói nhiều, nhưng vì lòng ta trong sạch và sám hối mà ta được Thiên Chúa đoái nghe. *

Thánh thi “Lạy Thiên Chúa”

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa ban sức mạnh cho những kẻ cậy trông, xin nghe lời chúng con cầu khẩn : loài người chúng con, thân phận yếu hèn, không thể làm được chi, nếu Chúa không nâng đỡ, xin Chúa hằng tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con giữ huấn luyện Chúa truyền, mà chỉ muốn và làm những điều Chúa ưa thích. Chúng con cầu xin

TUẦN THƯỜNG NIÊN