Chúa Nhật

NGÀY TRONG TUẦN THƯỜNG NIÊN

Sống cùng thời với ngôn sứ Giêrêmia, một phần cuộc đời tại Baben, giữa những người lưu đày, ngôn sứ Êdêkien làm công việc rao giảng. Cả hai đề cập đến những chủ đề giống nhau, nhưng Êdêkien có một tinh thần khác. Trước hết, theo bản tính tự nhiên, ông không dấn thân như Giêrêmia, ông cũng ít mềm dẻo hơn, có khuynh hướng ngăn ngừa hay kết án tội lỗi hơn là chuyển cầu cho tội nhân. Ông có một nhận thức bén nhạy về tính siêu việt của Thiên Chúa, về tầm mức nặng nề vô song của tội phạm đến Chúa. Do nền giáo dục, ông gắn bó với các thể chế Do thái hơn, ông cũng không có được tinh thần phổ quát như Giêrêmia. Nếu ông cho Giao Ước đã lỗi thời vì tội lỗi của dân Chúa, thì ông không chỉ loan báo một Giao Ước mới trong Thần Khí, nhưng để tâm tiên liệu và loan báo những điều luật của Giao Ước này trong một não trạng thiên về luật pháp. Đây là một nhân tố quan trọng của thời hậu lưu đày. Được Thiên Chúa quan phòng dành riêng nhằm trực tiếp chuẩn bị cho thời gian sắp tới, bằng cách kêu mời người lưu đày ăn năn trở lại, Êdêkien đánh dấu những bước tiến quyết định của nền thần học và của đời sống tôn giáo nói chung : đoạn tuyệt với mọi thứ niềm tin đã lỗi thời (không thể gặp Thiên Chúa ngoài Đền Thờ, trách nhiệm tập thể) và với những thể chế lạc hậu (nền quân chủ, chức tư tế của các thầy Lêvi…), giảm đến mức thấp nhất mọi khâu trung gian giữa Thiên Chúa với dân Người mà không phải là hàng tư tế (thuộc dòng tộc Aharon), ông bắc được nhịp cầu giữa tinh thần trọng luật độc đáo của ông với cách nhìn gần như theo kiểu thánh Phaolô sau này về kế hoạch của Thiên Chúa, và cách thực hiện kế hoạch đó trong lịch sử.

Nếu trong sách của ông những gì liên quan đến cơ cấu hàng tư tế đã lỗi thời, thì có nhiều chương còn giữ được tính thời sự hôm nay, chẳng hạn trước hết, cách ông nhận thức về tội lỗi mà ông có khuynh hướng nhìn như một vết nhơ đáng kinh đáng tởm trước mặt Thiên Chúa, hơn là dưới góc độ một hành vi phạm pháp ; hơn thế nữa, cách ông nhận thức – tính nhưng không của ơn cứu độ : con người không đáng hưởng ơn tha thứ, chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho, bất chấp lẽ công bình hiểu theo nghĩa hẹp, khiến tội nhân phải xấu hổ thẹn thùng. Như thế, một phần quan trọng của sứ điệp Kitô giáo đã có khởi điểm ở nơi đây.

Bài đọc 1   Ed 1,3-14.22-28a

Thị kiến về xa giá của Đức Chúa

Bị lưu đày ở Baben, ngôn sứ chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trong một thị kiến. Đây là lần đầu tiên Thiên Chúa tỏ mình không phải tại Đền Thờ hay núi Xinai. Ítraen nhận ra rằng : Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và Người ở nơi đâu thì nơi đó cũng là nhà của Người. Chẳng bao lâu nữa, tất cả các dân tộc sẽ được mời gọi nhận biết Người.

Lời Chúa trong sách ngôn sứ Êdêkien

3 Có lời Đức Chúa phán với tư tế Ê-dê-ki-en, con ông Bu-di, trong xứ Can-đê, bên bờ sông Cơ-va. Ở đó, tay Đức Chúa đặt trên ông.

4 Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh; ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa.5 Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta.6 Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh.7 Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng.8 Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế.9 Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến.10 Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trai, cả bốn đều có mặt phượng hoàng.11 Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình.12 Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau.

13 Ở giữa các sinh vật ấy, có cái gì giống như than hồng rực lửa, giống như ngọn đuốc, đang di chuyển giữa các sinh vật. Lửa phát ra ánh sáng và từ lửa phóng ra những tia chớp.14 Các sinh vật đi đi lại lại nhanh như chớp.

22 Trên đầu mỗi sinh vật, có một cái vòm trông lấp lánh như pha lê che trên đầu ngay trên chúng.23 Dưới cái vòm ấy, cánh chúng giương thẳng ra, cánh nọ chạm cánh kia; mỗi sinh vật có hai cánh che phủ thân mình.

24 Khi chúng đi, tôi nghe tiếng cánh vẫy giống như tiếng nước chảy mạnh; như tiếng của Đấng Toàn Năng, tiếng ấy ồn ào như tiếng trong một doanh trại. Khi chúng dừng lại, thì cánh rủ xuống.25 Có tiếng vọng xuống từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng.

26 Từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai đó, ở trên cao.27 Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung quanh.28 Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa.

Xướng đáp    x. Ed 1,26 ; 3,12 ; Kh 5,13

X    Tôi thấy trên cái gì tựa như cái ngai có cái trông như hình dáng một con người ; và tôi nghe có tiếng hò la vang dội từ trên cao.

*     Chúc tụng Đức Chúa vinh hiển trong nơi thánh của Người.

Đ    Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn đời muôn thuở. *

Bài đọc 2

Chúng tôi vừa là Kitô hữu vừa là người đứng đầu

Mở đầu bài giảng của thánh Âutinh, Giám mục, về các mục tử.

Anh em thân mến,

Đây không phải là lần đầu tiên anh em được nghe dạy rằng tất cả niềm hy vọng của chúng ta là ở nơi Chúa Kitô, chính Người là tất cả vinh quang đích thực và lành thánh của chúng ta. Anh em ở trong đoàn chiên của Đấng chăm sóc và nuôi dưỡng Ítraen. Nhưng bởi vì có những mục tử chỉ muốn nghe người ta gọi mình là mục tử, mà không muốn chu toàn nhiệm vụ mục tử, nên chúng ta hãy duyệt lại xem Chúa Giêsu nói gì với họ qua ngôn sứ Êdêkien. Anh em hãy chú ý nghe, chúng ta hãy nghe với tất cả lòng kính sợ.

Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng : Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử Ítraen và nói với họ. Chúng ta vừa nghe đọc bài này, nên chúng tôi quyết định nói đôi điều với anh em. Chính Chúa sẽ giúp chúng tôi nói những điều chân thật, nếu chúng tôi không nói theo ý mình. Vì nếu chúng tôi nói theo ý mình, thì chúng tôi sẽ là những mục tử chỉ nuôi mình chứ không nuôi chiên. Còn nếu chúng tôi nói những lời của Chúa, thì đó là chính Người nuôi anh em qua bất cứ ai. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này : Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Nói cách khác, mục tử không nuôi mình mà nuôi chiên. Lý do khiến các mục tử đó bị khiển trách là họ nuôi chính mình chứ không nuôi chiên. Những kẻ nuôi chính mình là ai? Thánh Phaolô tông đồ nói về họ như sau : Ai nấy đều tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Chúa Kitô Giêsu.

Do lòng Chúa đoái thương, chứ không vì công trạng của chúng tôi, Chúa đặt chúng tôi ở cương vị này, một cương vị đòi phải trả lẽ nghiêm ngặt. Chúng tôi thấy có hai điều cần phân biệt rõ ràng : một đàng chúng tôi là Kitô hữu, đàng khác chúng tôi là những người đứng đầu. Chúng tôi là Kitô hữu là vì mình, còn chúng tôi là người đứng đầu là vì anh em. Là Kitô hữu, chúng tôi lo cho lợi ích của mình ; là người đứng đầu, chúng tôi chỉ lo cho lợi ích của anh em.

Có nhiều người là Kitô hữu mà không phải là người đứng đầu :  họ đến với Thiên Chúa qua một con đường có khi dễ dàng hơn và có lẽ thuận tiện hơn, vì mang ít hành lý hơn. Còn chúng tôi, nguyên một chuyện là Kitô hữu, chúng tôi đã phải trả lẽ với Thiên Chúa về đời sống của mình rồi, huống chi chúng tôi lại là những người đứng đầu, nên còn phải trả lẽ với Thiên Chúa về công việc quản lý của mình nữa.

Xướng đáp    Tv 22,1-2.3

X    Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,

*     trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Đ    Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. *

⇒ Tin Mừng (theo ngày)

Thánh thi

Ngợi Khen
(Te Decet Laus)

Ngợi khen Thiên Chúa chí tôn : 
Chúa Cha và Chúa Con, cùng Chúa Thánh Thần,
Ngàn đời hiển trị muôn dân,
Chúng con hiệp ý đồng thanh hát mừng.

Lạy Thiên Chúa
(Te Deum)

  • Lạy Thiên Chúa,
    Chúng con xin ca ngợi hát mừng, *
    Tuyên xưng Ngài là Đức Chúa.
  • Chúa là Cha, Đấng trường tồn vạn đại, *
    Hoàn vũ này kính cẩn suy tôn.
  • Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục, *
    Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc
    Đều cảm tạ và cung chúc tôn thờ,
    Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô :
  • Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !
    Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh ! *
    Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh.
  • Bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa,
    Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài. *
    Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng,
    Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài,
  • Và trải rộng khắp nơi trần thế,
    Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng : *
    Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng,
    Và Con Một Ngài chí tôn chí ái,
    Cùng Thánh Thần, Đấng an ủi yêu thương.
  • Lạy Đức Ki-tô, Con Chúa Trời hằng sống,
    Ngài là Chúa hiển vinh *
    Đã chẳng nề mặc lấy xác phàm
    Nơi cung lòng Trinh Nữ
    Hầu giải phóng nhân loại lầm than.
  • Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần,
    Mở cửa trời cho những ai tin tưởng. *
    Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha,
    Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán.
  • Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi
    Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn. *
    Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh,
    Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.  

Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài, xin nhìn đến chúng con, và cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa, hầu luôn được cảm thấy rõ ràng lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin …

X. Nào ta chúc tụng Chúa. 
Đ. Tạ ơn Chúa.