Thứ Bảy

NGÀY TRONG TUẦN THƯỜNG NIÊN

Bài đọc 1   2V 2,1-15

Ngôn sứ Êlia được đem đi

Trong lịch sử mạc khải, việc ông Êlia được đem đi là một mốc quan trọng. Đối với các tác giả thánh vịnh, biến cố trên đây là nền tảng niềm hy vọng của các bạn hữu của Thiên Chúa, đó là thoát khỏi cái chết vốn là số phận chung của mọi người. điều này chuẩn bị cho niềm tin vào sự sống lại. Các ngôn sứ sẽ dựa vào biến cố trên đây mà hy vọng ông Êlia sẽ trở lại dọn đường cho Đấng Mêsia. Chúa Giêsu quả quyết rằng : Gioan Tẩy Giả đã thực hiện sứ mạng đó.

Lời Chúa trong sách các Vua quyển 2

1 Vào thời Đức Chúa đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc, ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa rời Ghin-gan.2 Ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa: “Xin anh ở lại đây, vì Đức Chúa sai thầy đến Bết Ên.” Nhưng ông Ê-li-sa thưa: “Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy! ” Rồi các ông đi xuống Bết Ên.3 Các anh em ngôn sứ ở Bết Ên ra gặp ông Ê-li-sa và nói: “Ông có biết không, hôm nay Đức Chúa sẽ đem thầy của ông lên cao ngay trên đầu ông? ” Ông nói: “Tôi cũng biết chứ, im đi! “4 Ông Ê-li-a bảo ông: “Này Ê-li-sa, xin anh ở lại đây, vì Đức Chúa sai thầy đi Giê-ri-khô.” Nhưng ông Ê-li-sa thưa: “Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy! ” Và các ông đã đến Giê-ri-khô.5 Các anh em ngôn sứ ở Giê-ri-khô đến gần ông Ê-li-sa và nói: “Ông có biết không, hôm nay Đức Chúa sẽ đem thầy của ông lên cao, ngay trên đầu ông? ” Ông nói: “Tôi cũng biết chứ, im đi! “6 Ông Ê-li-a bảo: “Xin anh ở lại đây, vì Đức Chúa sai thầy đến sông Gio-đan.” Nhưng ông thưa: “Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy! ” Rồi cả hai ông cùng đi.

7 Năm mươi anh em ngôn sứ cũng đi, đứng ở đằng xa, phía trước hai ông, còn hai ông thì đứng bên bờ sông Gio-đan.8 Ông Ê-li-a lấy áo choàng của mình, cuộn lại mà đập xuống nước. Nước rẽ ra hai bên. Hai ông đã đi qua ráo chân.9 Vậy, khi đã đi qua, ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa: “Anh cứ xin đi: thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh? ” Ông Ê-li-sa nói: “Xin cho con được hai phần thần khí của thầy! “10 Ông Ê-li-a đáp: “Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được.”11 Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc.12 Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: “Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Israel! ” Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.13 Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan.

14 Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước và nói: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ông Ê-li-a ở đâu? ” Ông đập xuống nước, nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua.15 Các anh em ngôn sứ Giê-ri-khô thấy ông ở đằng xa thì nói: “Thần khí của ông Ê-li-a đã ngự xuống trên ông Ê-li-sa.” Họ đến đón ông và sụp xuống đất lạy ông.

Xướng đáp   Ml 3,23-24; Lc 1,15.17

X.   Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng;

  nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông.

Đ.  Gioan sẽ nên cao cả trước mặt Chúa, em sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia. *

Bài đọc 2

Lời Đức Kitô làm nên bí tích bạn lãnh nhận

Trích khảo luận của thánh Ambrôsio, Giám mục, về các mầu nhiệm.

Chúng ta biết ân sủng tác động mạnh hơn tính tự nhiên. Thế mà ta vẫn coi trọng lời cầu chúc của ngôn sứ trong Cựu Ước như là ân sủng. Nếu lời cầu chúc của con người có sức làm thay đổi tính tự nhiên, thì chúng ta phải nói gì về chính việc Thiên Chúa thánh hóa, khi Người dùng lời của Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế mà tác động? Bởi lẽ lời Đức Kitô làm nên bí tích bạn lãnh nhận. Nếu lời của ngôn sứ Êlia khiến được lửa từ trời xuống, thì lời Đức Kitô lại không có sức biến đổi bản chất bánh rượu hay sao? Trong công trình sáng tạo toàn thể vũ trụ, bạn đọc thấy những lời này : Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên. Vậy lời của Đức Kitô vốn đã có thể tạo dựng từ không mà có, lại không thể biến vật này thành vật kia hay sao? Quả thật, sáng tạo ra các sự vật mới còn khó hơn biến đổi bản chất các sự vật.

Chúng ta lý luận để làm gì? Hãy lấy Đức Kitô làm trường hợp điển hình và dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể mà củng cố lòng tin vào bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, phải chăng là theo tiến trình tự nhiên? Theo luật tự nhiên, người nữ phải phối hợp với người nam mới sinh con. Vậy Đức Trinh Nữ đã sinh con, rõ ràng là sự kiện ngoài luật tự nhiên. Và thân mình Chúa Kitô mà chúng ta làm cho hiện diện trên bàn thờ lại chính là thân mình sinh bởi Đức Trinh Nữ. Sao giờ đây bạn lại tìm luật tự nhiên nơi thân mình Chúa Giêsu Kitô, khi mà chính Người đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ ngoài luật tự nhiên? Thân xác chịu đóng đinh và được mai táng quả là thân xác thật của Đức Kitô. Vậy, bí tích này thật sự là bí tích của thân xác Người.

Chính Chúa Giêsu tuyên bố : Đây là Mình Thầy. Trước lời chúc tụng tạ ơn của Chúa, đó là cái khác ; còn sau lời hiến thánh, thì lại là thân mình Người. Về máu của mình, Người cũng nói như thế. Trước lời hiến thánh, đó là cái khác ; còn sau lời hiến thánh thì lại là máu Người. Và bạn thưa : “Amen”, nghĩa là “Đúng vậy”. Điều miệng nói bên ngoài, lòng trí bên trong phải công nhận. Điều ngôn từ diễn tả, tâm hồn phải cảm mến.

Nhận ra ơn cao cả này, Hội Thánh khuyên nhủ con cái và bạn hữu mình hãy chạy đến tham dự các bí tích. Hội Thánh nói : Ăn đi, mời các bạn, uống đi, uống cho say, các bạn thân mến hỡi. Còn chúng ta ăn gì, uống gì, thì ở chỗ khác trong Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần dùng vị ngôn sứ mà nói với bạn : Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người. Đức Kitô hiện diện trong bí tích này vì đây là thân mình Người. Vậy của ăn này không phải để nuôi thân xác mà để nuôi linh hồn. Thế nên thánh Phaolô cũng nói về hình bóng tiên báo thần lương này như sau : Tất cả cha ông chúng ta… cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng. Quả vậy, thân mình của Thiên Chúa là linh thiêng. Thân mình Đức Kitô là thân mình của Thần Khí Thiên Chúa, vì Đức Kitô là thần khí như lời Kinh Thánh: “Đấng Kitô là thần khí trước mặt chúng ta.” Trong thư của thánh Phêrô, ta cũng đọc thấy rằng : Đức Kitô đã chết vì anh em. Sau hết, của ăn này tăng thêm nghị lực cho tâm hồn chúng ta, và thức uống này làm phấn khởi lòng người như tác giả thánh vịnh đã nói.

Xướng đáp   Mt 26,26 ; x. G 31,31

X.   Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói:

*   “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”

Đ.  Những người trong lều tôi đã nói : “Ai cho ta ăn thịt thỏa thuê?” *

Lời cầu              

– Lạy Chúa, xin thương đến các anh (chị) em chúng con vắng mặt, và những người làm ơn cho chúng con.

* Xin Chúa nhậm lời chúng con.

– Xin Chúa ban phúc lành cho dân Chúa, và cho những ai chưa nhận biết Chúa được trở về tin yêu Chúa.

* Xin Chúa nhậm lời chúng con.

– Xin Chúa ban ơn cho những người xin chúng con cầu nguyện, và cho những ai đã ly trần được hưởng tôn nhan Chúa muôn đời.

* Xin Chúa nhậm lời chúng con.

(*) Lễ bổn mạng và các dịp lễ đặc biệt của anh (chị) em, thêm lời cầu như sau :

– Xin Chúa ban cho… sức mạnh hồn xác, để tận lực yêu mến Chúa và hâm mộ chu toàn những điều đẹp lòng Chúa.

* Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay, xin ban cho những người xưng mình là Ki-tô hữu biết tránh mọi điều bất xứng, và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình. Chúng con cầu xin

Kết thúc

X. Nào ta chúc tụng Chúa.
Đ. Tạ ơn Chúa.